Độ loa ô tô hay còn gọi nâng cấp âm thanh để cải thiện chất lượng giải trí không còn xa lạ. Tuy nhiên “Độ loa ô tô là làm những gì?” và “Có nên độ loa ô tô hay không?” là câu hỏi đầu tiên của nhiều người khi muốn nâng cấp âm thanh xe hơi.
Trước đây, độ âm thanh xe hơi là thú vui chơi xả xỉ với nhiều người dùng ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp phụ trợ, phụ kiện nội thất ô tô tại Việt Nam đã phát triển mạnh trong suốt thời gian qua, người dùng ô tô Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn đến nhu cầu giải trí, nâng cấp âm thanh.
Bắt đầu từ các nhu cầu đơn giản như nâng cấp màn hình cảm ứng, Android Box… cho đến nhu cầu thưởng thức âm thanh chất lượng cao hơn. Tất cả đều dễ dàng hơn rất nhiều khi các thương hiệu âm thanh xe hơi cao cấp gia nhập thị trường, cùng với đó trình độ kỹ thuật và tay nghề của các thợ Việt Nam cũng được nâng cao, được chuẩn hóa. Đặc biệt là được thử thách qua các sự kiện thi đấu âm thanh EMMA Việt Nam suốt hàng chục năm qua.
Độ loa ô tô là làm những gì?
Độ loa ô tô có thể hiểu là thay thế dàn loa nguyên bản, được cung cấp theo xe bằng những dàn loa độ phù hợp hơn, nhằm đáp ứng được nhu cầu nghe nhạc, xem phim, giải trí nói chung của người dùng.
Độ loa ô tô đôi lúc chỉ đơn giản là nâng cấp thêm một chiếc loa sub ô tô để bỏ sung dải âm trầm. Đôi khi độ loa ô tô có thể là một giải pháp tổng thể, phức tạp hơn như cách âm chống ồn, nâng cấp amply, bộ xử lý tín hiệu DSP, nâng cấp đầu phát Head Unit, tất cả nhằm hướng đến mục tiêu chinh phục tai nghe của người dùng.
Nhiều người dùng chỉ cần một hệ thống âm thanh cân bằng, thể hiện đủ dải tần. Nhưng cũng có một số ít tai nghe đề cao chất âm trung thực, có thể tái tạo chính xác như một sân khấu âm nhạc thực sự, cho chất lượng âm thanh cao nhất để thưởng thức mỗi khi ngồi sau vô lăng. Những khía cạnh này sẽ quyết định đến việc độ loa ô tô gồm những hạng mục nào.
Tại sao nên độ loa ô tô của bạn
Đầu tiên cần thống nhất, không nên độ loa ô tô nếu bạn không có nhu cầu. Ngược lại, nếu âm nhạc, chất lượng âm thanh, chất lượng giải trí giúp cho bạn thư giãn hơn khi lái xe, hãy tìm hiểu thêm lý do: Tại sao nên độ loa xe ô tô?
Có nhiều lý do dẫn đến quyết định độ loa xe ô tô, nâng cấp âm thanh xe hơi:
Lý do 1: Hệ thống loa nguyên bản thường có chất lượng thấp, không đầy đủ dải tần khiến cho chất âm chói tai hoặc mờ đục. Chưa kể khi âm lượng ở mức cao bắt đầu có hiện tượng rè, méo tiếng.
Lý do 2: Hệ thống loa xe hơi nguyên bản thường không trang bị sẵn loa sub. Chính vì vậy loa xe hơi tiêu chuẩn thường thiếu dải âm bass, khiến cho không gian âm thanh bị hẹp, bí bách. Việc nâng cấp thêm loa bass hay loa subwoofer sẽ giúp cho chất âm đầy đặn hơn, có thể tái tạo được âm thanh đầy đủ, giàu cảm xúc hơn.
Lý do 3: Hệ thống âm thanh hay loa theo xe thường thiết lập cho những mục đích đa dạng, có thể nghe nhạc Bolero, nhạc trữ tình, vừa có thể nghe nhạc trẻ, nhạc Dance, Hip Hop… Tuy nhiên một số khách hàng khó tính chỉ nghe một loại nhạc nhất định và muốn độ loa ô tô để thỏa mãn thú vui nghe nhạc của mình
Lý do 4: Các hãng xe sẽ thường giới hạn chi phí đầu vào, đồng thời ưu tiên tối đa lợi nhuận. Chính vì vậy hệ thống loa có sẵn theo xe thường chỉ có chất lượng ở mức tạm được. Hầu hết đều thiếu các thiết bị chuyên dụng như amply, DSP… không tối ưu cho các nhu cầu nghe nhạc đặc biệt.
Chất lượng của hệ thống âm thanh lắp sẵn theo xe
Trên cấu tạo ô tô, hệ thống âm thanh thường chỉ là thiết bị giải trí, phụ kiện đi kèm nhằm giải quyết nhu cầu giải trí. Chính vì vậy các hãng xe sẽ cân đối chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Các dòng xe hạng A giá rẻ như Hyundai Grand i10, Kia Morning… thường chỉ trang bị tiêu chuẩn âm thanh ở mức cơ bản. Loa xe hơi thường chỉ từ 2-4 loa và thường bố trí ở phía trước. Các hệ thống này chỉ đáp ưng nhu cầu cơ bản, nghe nhạc, hỗ trợ đàm thoại rảnh tay.
Các dòng xe hạng B sẽ khá hơn đôi chút. Ví dụ Toyota Vios hay Hyundai Accent sẽ trang bị các hệ thống âm thanh 4-6 loa. Cá biệt Honda City được trang bị hệ thống âm thanh 8 loa trên các phiên bản cao cấp.
Ở phân khúc xe hạng C-D, các nhà sản xuất bắt đầu có sự đầu tư hơn với hệ thống âm thanh. Giá bán cao hơn cho phép các hãng xe thoải mái hơn trong việc mở rộng danh mục trang bị cho xe. Chúng ta bắt đầu nhận thấy các dòng loa từ thương hiệu cao cấp khác.
Ví dụ: Honda Civic RS được trang bị hệ thống âm thanh 12 loa Bose cao cấp, hay các dòng xe Toyota Camry, Fortuner trang bị hệ thống âm thanh 9 hay 11 loa JBL cao cấp. Hyundai Santa Fe cũng được trang bị hệ thống âm thanh 10 loa Harman Kardon cao cấp.
Tương tự phân khúc xe hạng E, SUV cỡ lớn hay xe hạng sang, các thương hiệu âm thanh cao cấp xuất hiện rất phổ biến. Trong phân khúc xe phổ thông, Ford Explorer trang bị âm thanh 12 loa B&O, Hyundai Palisade trang bị âm thanh 12 loa Infinity.
Trong phân khúc xe hạng sang, việc trang bị tiêu chuẩn loa xe hơi cao cấp gần như là yêu cầu bắt buộc. Một số hãng xe còn cung cấp tùy chọn những hệ thống loa có tính năng tạo không gian âm thanh Surround 3D đắt tiền, công suất lên hơn 1000W, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức các bộ phim điện ảnh hàng đầu, tương tự như trong một rạp chiếu phim chất lượng cao.
Chính vì sự chênh lệch chất lượng giải trí giữa các phân khúc xe, các tầm giá khác nhau mà độ loa ô tô sẽ giúp chủ xe nâng cấp tiêu chuẩn âm thanh cho xe, đặc biệt với các dòng xe hạng A, B và cả xe hạng C.
Thậm chí, một số chủ xe hạng sang có khẩu vị nghe nhạc khác biệt vẫn sẵn sàng từ bỏ các dòng loa hàng hiệu đắt tiền theo xe, để nâng cấp hệ thống loa mới. Ví dụ chiếc Aston Martin DBX tại sự kiện thi đấu âm thanh EMMA Asia Finals 2022 đã được chủ nhân nâng cấp hệ thống âm thanh Focal thay thế cho hệ thống âm thanh Harman Kardon 14 loa tiêu chuẩn.